Thursday, June 9, 2011

Tại sao hát hợp ca

Tại sao hát hợp ca


HatHopCa.jpgHoàng Linh
Nếu "Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định" thì cũng có thể nói: "Mỗi bài hát, khúc nhạc ta nghe cũng 'giai do tiền định'." Như tất cả mọi chuyện khác trên đời, chuyện nghe nhạc nhiều khi cũng là một sự tình cờ có thể dẫn đưa ta đến một tâm thức khác hơn là khi chư a nghe. Bật radio lên, ta có rất nhiều cơ hội được nghe những ca khúc hát đơn ca. Nhưng cơ hội nghe hợp ca thì hiếm hơn nhiều.

Câu chuyện sau đây, do một ca trưởng kể lại, cho thấy chuyện nghe hát hợp ca còn hơi xa lạ đối với người Việt: Trong một buổi họp, một người đã nói :"Tại sao cứ phải hát hợp ca. Nhiều giọng quá nghe cứ rối tinh lên, chẳng hay ho gì hết. Đơn ca thì nghe từng chữ rõ ràng, hay hơn nhiều". Có 2 chuyện có thể suy ra từ câu nói này: một là ban hợp ca đó hát quá dở khiến các giọng lòi ra  mà không  hòa hợp làm người nghe thấy “rối tinh”, hai là người nghe không quen nghe hát hợp ca. Hoặc có thể cả hai chuyện xẩy ra cùng một lúc không chừng.
Vì lịch sử hợp ca Việt Nam quả thực là còn rất ngắn ngủi. Thoạt tiên, có lẽ hợp ca chỉ được dùng trong các nhà thờ, khi người Tây phương đem Thiên chúa giáo đến nước Việt. Sau đó rất lâu mới có một vài ban hợp xướng ra đời để hát nhạc "đời". Rồi xẩy ra biến cố 30 tháng Tư, dân Việt chạy ra ngoại quốc hằng loạt mang theo những gì đã từng làm dở dang từ trước 75.  Nhiều ca đoàn nhà thờ được thành lập để phục vụ trong những buổi thánh lễ. Và Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi , chuyên hát nhạc “đời”, cũng được ra đời do những người đã từng hát hợp ca trước năm 75 thành lập.
HatHopCa2.jpgNgàn Khơi đã hoạt động trong lòng cộng đồng người Việt hải ngoại hơn 18 năm, một thời gian khá dài cho một đoàn thể bất vụ lợi. Qua hơn 20 buổi hòa nhạc  lớn nhỏ đã tổ chức, trong đó phần hợp ca chiếm ít nhất là nửa chương trình, Ngàn Khơi có thể nói là đã đem đến cho cộng đồng một hình thức trình bày nhạc tương đối mới mẻ và được tán thưởng. Nhiều thính giả đã cho biết là họ thích phần hợp ca hơn cả phần đơn ca.
Qua nhiều năm hoạt động, các ca viên Ngàn Khơi đã được học và khám phá thêm nhiều về kỹ thuật hát hợp ca. Dĩ nhiên là sách vở về hợp ca của Mỹ thì rất nhiều và cũng đã giúp nhiều cho những người muốn học hỏi. Nhưng vì ngôn ngữ Việt Nam khác hẳn ngôn ngữ Tây phương, ca trưởng Việt Nam phải tự  tìm hiểu và sáng chế ra những kỹ thuật hát hợp ca cũng như phần hòa âm các bè cho phù hợp với Việt ngữ, sao cho người nghe đừng thấy bị rối óc và chuyên chở được những tâm tình mà tác giả một ca khúc đã gửi gấm vào đó.
Vậy, tại sao phải hát hợp ca? Đơn ca không đủ sao?
Nếu nói là hát đơn ca nghe cũng đủ rồi thì cũng chẳng khác gì nói chỉ dùng 1 nhạc khí để tấu lên một bài nhạc cũng đủ, cần chi đến cả một ban nhạc 4,5 người hay một dàn đại hòa tấu 5, 7 chục người? Hay mỗi lần chỉ bấm một nốt nhạc cũng đủ, cần chi phải dùng một hợp âm 4,5 nốt nhạc cùng lúc? Hợp ca cũng giống như cái hợp âm đó, đem đến một âm thanh đầy đặn, sướng cho lỗ tai người nghe nhạc hơn nhiều. Hơn nữa, nhiều ca khúc cần thật nhiều giọng hát mới làm nổi lên được cái huy hoàng rộng lớn của nét  nhạc, để tương phản với những phần  nhạc vi tế, êm dịu mà cũng chính sự hợp sức của nhiều giọng ca cũng sẽ diễn tả được.
Hát hợp ca là biểu tượng của tinh thần hòa hợp. Làm sao để 40, 50 hay nhiều khi cả mấy trăm con người cất tiếng hòa giọng mà không phát ra một âm thanh hỗn độn, quái dị, trái lại phải có nhạc tính và diễn tả được tâm tình bài hát. Không phải dễ. Ca viên thường phải  sinh hoạt trong một ca đoàn 2,3 năm mới tập được tinh thần hòa hợp này. Vì ngoài chuyện hát cho đúng “bè” của mình, ca viên phải biết điều khiển cho giọng mình hòa hợp với mọi người, làm sao phải cho lớn, nhỏ, hùng mạnh hay êm dịu đúng với tâm tình bài hát mà ca trưởng đã tìm ra.
Một khi đã đạt tới mức diễn tả được trọn vẹn tâm tình của một ca khúc lớn, ca viên sẽ có cảm giác là chưa bao giờ mình được trải qua một kinh nghiệm thích thú đến thế. Âm thanh tạo ra từ mấy chục con người lúc đó rền, ấm, đầy làm sao, khiến cho người nghe có thể phải “nổi da gà”.
Và có những lúc chỉ hợp ca mới diễn tả được cái hùng mạnh hay cái buồn, âm u của một ca khúc. Vậy thì phải hát hợp ca thôi.



No comments:

Post a Comment