Wednesday, July 20, 2011

BÉ MỐC NGÀY XƯA.


Từ phi trường Tân Sơn Nhất, Khoa được gia đình chú Tuyên đón về nhà ở Bà Chiểu chơi mấy hôm.

. Hôm nay Khoa mới xách va ly trở về xóm cũ Gò Vấp. Mới rời xa Việt Nam 6 năm mà đường phố thay đổi lạ hoắc, cũng may vẫn còn những dấu vết hay chi tiết quang cảnh cụ thể khác để anh không đi lạc.
Cổng vào chùa Thiền Quang đây rồi, cũng là ngõ chính dẫn vào nhà anh, phải đi qua một khu mả bằng đá ong, những tảng đá ong nằm có, đứng có, cao hơn đầu người, người ta đồn rằng của người Pháp xây hồi xưa, nên lối xóm quen gọi là khu mả Tây. Trẻ con khu xóm vẫn chơi đùa ở đó, leo trèo lên những ngôi mộ. Nay khu mả Tây không còn, nên trông cái ngõ như rộng ra.
Gặp anh, nhận ra anh, ai cũng cất tiếng hỏi han thân mật, bù cho những tháng năm sống ở Mỹ hàng xóm lạnh lùng như người tình đang trong cơn hờn dỗi.
Căn nhà của anh được bao quanh bằng bức tường gạch thấp, phía trên cắm những hàng rào bằng sắt, và vẫn là hai cánh cổng sắt, nhưng không còn cây hoa giấy màu đỏ bên cạnh xòe cành lá và hoa đung đưa trong gío nữa.
Chưa kịp tra chìa khóa mở cổng thì một bà hớn hở từ đâu bước vội đến:
-         Cậu Khoa mới về thăm nhà hả? Sống ở Mỹ vui lắm hả cậu?
Khoa chưa kịp nhận ra ai cũng mỉm cười đáp lại:
-         Vâng, chào bác, sống ở đâu cũng có vui có buồn.
-         Có nhớ ra tôi không nào? Tôi ở đằng sau nhà cậu đấy…
 Khoa gật đầu:
-         À, bác tên Năm, làm nghề thêu, nên thành tên Năm Thêu chứ gì? Bây giờ bác còn sống bằng nghề thêu, rua gì không?
-         Theo nghề đó là chết đói luôn cậu ơi, thời buổi hiện đại, nghề thêu đan, may vá phải dẹp tiệm nhường cho sản xuất công nghiệp hàng loạt. Tôi chuyển “ngành” rồi, nấu cơm bán cho mấy em công nhân tạm trú ở xóm này, dân miền Trung, miền Bắc “di cư” vào, đói nghèo nên dễ tính, dễ chịu. Hàng cơm tôi cũng đủ sống qua ngày.
Bà Năm Thêu đon đã mời mọc một hơi:
-          Cậu về đây bao lâu?  khi nào đi chơi đâu ăn đó thì thôi, còn về nhà thì ăn cơm ủng hộ hàng tôi nghe? Tôi biết Việt Kiều thì chỉ ăn ở những nhà hàng nổi tiếng hay sang trọng, nhưng cậu thử ăn hàng tôi cho biết đá vàng, ăn bữa nào tính tiền bữa đó, đơn giản và sòng phẳng mà. Việt Kiều tôi sẽ nấu loại đồ ăn cao cấp tiêu chuẩn Việt Kiều, nhưng gía cả vẫn là tình làng nghĩa xóm.
Khoa cảm động, khiêm nhường và hào hiệp:
-         Việt kiều mới là thèm những món ăn bình thường dân dã đó bác Năm Thêu. Nhiều người từ hải ngoại về Việt Nam chỉ để ăn cơm nhà rau dưa. Tôi đồng ý ăn cơm ủng hộ hàng bác, vì tôi sẽ ở Việt Nam khá lâu và thường xuyên ở nhà.
Bà Năm Thêu còn nhiều chuyện, hỏi tới luôn:
-         Nghe nói cậu về bàn căn nhà này, phải hôn? Có gì tôi kiếm người “mai mối” cho mau lẹ…
-         Uả, sao bác biết tôi về Việt Nam để bán nhà?
-         Dễ ợt mà, mỗi lần ông chú của cậu đến quét dọn hay sửa sang nhà cửa tôi có nói chuyện và hỏi thăm về gia đình cậu hoài, nghe nói ở bển gia đình cậu ổn định, khá gỉa tôi cũng mừng giùm. Vừa rồi ông Tuyên nói là cậu sẽ về bán căn nhà này. Thế là ông Tuyên sẽ rảnh tay khỏi phải lò mò từ Bà Chiểu đạp xe xuống Gò Vấp để chăm sóc căn nhà vắng chủ nữa.
-         Dạ, đúng thế. Đáng lẽ tôi bán nhà trước khi xuất cảnh, nhưng để lại cho gia đình thằng em vợ chờ đi xuất cảnh sau. Nó dùng dằng mãi mới chịu đi nên giấy tờ bảo lãnh trễ hơn tôi mấy năm.
-         Nhờ vậy mà hưởng lời đó cậu. Đúng là số cậu trời cho hưởng mà, được gia đình vợ bảo lãnh đi Mỹ sung sướng mọi bề, ngay thời điểm này nhà cửa đang hút gía dữ dội lắm, căn nhà của cậu nằm trong khu đất rộng, có vườn cây, lại thuộc phạm vi thành phố nên khẳm tiền chứ không ít đâu.
Khoa đùa vui:
-         Trời, bác Năm Thêu chuyển ngành nghề môi giới địa ốc, chắc sẽ thành công hơn nấu cơm tháng đấy.
Bà Năm Thêu nhắc lại:
-         Thôi vậy nghen, chiều nay cậu ăn cơm nhà không? thì có cơm mang sang nhà cậu liền.
Khoa nể lòng bà hàng xóm:
-         Vâng, chiều nay cho tôi mở hàng một bữa thử coi, nhớ là mấy món ăn nhà quê dân dã nhé. Tôi muốn ở nhà vài ngày, sống lại kỷ niệm rồi mới đi thăm bạn bè sau.
Bà hàng xóm nhanh nhẩu tốt bụng đi rồi, Khoa mới thực sự bước vào nhà mình, hầu hết những đồ đạc của vợ chồng Khoa để lại, gia đình người em vợ vẫn giữ y nguyên, có lẽ vì họ nghĩ cũng sẽ đi xuất cảnh nên chẳng cần thay đổi hay mua sắm thêm đồ mới làm gì.
Khoa ra vườn sau, khu vườn trồng nhiều cây mít và cây na, lá rụng quanh năm. Anh dẫm chân lên lớp lá khô tưởng như mùa lá cũ năm nào vẫn nằm ngoan hiền ở đây đợi  anh về hội ngộ.
Những cây mít đang treo đầy qủa, anh còn nhớ cây này là mít dừa, cây kia là mít nghệ, múi mít loại nào cũng to bằng cả nắm tay. Còn những cây na cũng có giống na dai, giống na bở. Na để chín cây, mắt na nở ra, nhẹ tay bóp qủa na, ăn những múi na trắng thơm, ngon ngọt lạ lùng
Trong vườn có một cái giếng sâu và trong, cạnh đó là buồng tắm. Khoa sung sướng được sống lại qúa khứ, anh ra quay nước giếng đổ đầy thùng trong buồng tắm và mang những thứ xà bông, dầu gội đầu vào tắm gội, tưởng như mình vẫn đang sống ở Việt Nam của 6 năm về trước.
Tắm xong Khoa vào nhà ngủ một giấc thoải mái, chưa tỉnh giấc hẳn thì đã nghe có tiếng gõ cửa rụt rè, Khoa vội ngồi dậy, vuốt sơ mái tóc và ra mở cửa, anh ngạc nhiên khi thấy một khuôn mặt xinh đẹp, một cô gái lạ, rất trẻ, đang khép nép bên ngoài. Trong phút giây này, khỏanh khắc này, anh bỗng nhớ đến bao năm về trước, Huyền cũng đã e ấp gõ cửa nhà anh, cho anh cảm xúc xao xuyến bất ngờ.
-         Dạ, em chào anh…
Khoa bối rối:
-         Cô tìm ai? Cô có đi lầm nhà không?
-         Dạ, em tìm anh Khoa…má em sai em đến giao cơm chiều cho anh.
Bây giờ Khoa mới để ý đến gỉo cơm trên tay cô gái. Thì ra lúc nãy anh vào nhà và quên không khóa cổng nên cô gái mới đến thẳng cửa nhà anh như thế này. Cô có đôi mắt to đen như nhung mang phảng phất nét buồn, làm người khác nhìn mà phải u uẩn theo. Dáng cô thon thon cao ráo, không lẽ cô là con gái bà Năm Thêu ? người đàn bà suốt một thời tuổi trẻ chăm chỉ ngồi bên khung vải thêu, rua, đến nghọeo cả cổ và gù cả lưng ?
Thấy chủ nhà tần ngần chưa chịu tin, cô gái giới thiệu thêm về mình:
-         Anh không nhớ em thì thôi, nhưng để em kể ra nhé, ngày xưa em hay sang nhà anh bồng em bé và đút cơm cho con anh đó, em là bé Mốc.
-         Ôi, bé Mốc !!
Khoa reo lên, thêm một lần nữa ngạc nhiên, anh nhớ ngay ra con bé Mốc nhếch nhác ngày xưa, bây giờ lại biến hóa thành cô gái đẹp xinh, duyên dáng y như trong chuyện cổ tích. Giây phút gặp gỡ đầu tiên vẻ đẹp của cô làm anh chóang váng, bây giờ định thần nhìn kỹ lại, đúng là cô gái có những nét hao hao bé Mốc. Mà sao ngày xưa anh ghét nó thế? chỉ sợ nó lây cái vẻ xấu và bẩn của nó sang cho con anh thôi, nhưng Huyền vợ anh vốn thương người, muốn giúp nhà bà Năm Thêu chứ thuê mướn người bồng em đầy rẫy trong xóm, thiếu gì người khá hơn nó.
Cô gái thao thao kể tiếp:
-         Nhà em nghèo, má em đã đưa em sang nhà anh chị, coi em, bồng em để anh chị cho chút tiền, được đồng nào hay đồng đó. Năm đó em 13 tuổi.
Khoa hỏi một câu ngẩn ngơ vì vẫn còn bối rối trước vẻ xinh đẹp của cô Mốc:
-         Nhưng sao em lại là bé Mốc nhỉ?
-         Má em nói hồi nhỏ em xấu xí, lại bẩn thỉu, mốc meo và ốm tong teo, bé xíu  nên gọi em là bé Mốc chết tên  luôn, còn tên thật của em không đẹp lắm, nhưng cũng…đỡ hơn. Em tên là Nguyễn thị Nâu.
Khoa thành thật:
-         Dù bé Mốc ngày xưa hay cô Nâu ngày nay, cả hai tên đều lạ cả.
Cô Nâu mang giỏ cơm vào nhà, cô nhẹ nhàng và cẩn thận lôi ra chén bát, đũa thìa và cơm canh nóng hổi để lên bàn rồi nói:
-         Mời anh dùng cơm kẻo nguội, má em nấu món dân quê theo ý anh, cần món gì anh cứ yêu cầu mỗi ngày nghe. Em về đây, lát nữa em sang thu dọn chén đũa.
-         Sao cơm bình dân mà bát chén kiểu sang vậy cô Nâu?
Cô Nâu mỉm cười:
-         Anh không nghĩ ra hả? vì anh là Việt Kiều thì cũng phải lịch sự với anh chứ, mấy chén đũa này má em mới sắm riêng để phục vụ anh đó.
Khoa cảm động ngẩn ngơ. Cô Nâu nói xong từ tốn cúi đầu chào và ra về, dù Khoa chỉ muốn cô ở lại nói chuyện, và dù có ăn cơm canh nguội lạnh anh cũng vui lòng.
Bà Năm Thêu cho anh ăn cơm với món đọt rau lang luộc chấm nước mắm tỏi ớt, và món tôm đất rim mặn. Qủa thật là ngon miệng..
Ăn xong Khoa rửa tất cả chén bát sạch sẽ và đợi chờ cô Nâu đến.
Cánh cổng ngoài vẫn chỉ khép để đợi cô vào tận cửa nhà, cô đến đúng hẹn, lần này cô lại thay cái áo khác. Thấy mọi thứ đã sạch sẽ sẵn sàng, cô Nâu không hài lòng:
-         Kìa anh, sao anh lại rửa ?, lần sau anh cứ để em làm cho, đó là việc của em mà.
-         Tôi rảnh cũng chẳng biết làm gì.
     -     Việt Kiều như anh hiền qúa chừng, người ta về Việt Nam là tưng bừng hoa lá ngoài đường, ngoài qúan đó anh.
Ngay từ đầu cô Nâu đã xưng hô “anh, em” nên Khoa cũng thoải mái, tự nhiên, dù ngày xưa con bé ranh này anh coi như đồ con nít.
-  Nay mai anh cũng sẽ đi thăm bạn bè, họ hàng chỉ có gia đình ông chú chứ chẳng còn ai.
Lần này cô Nâu ngồi nói chuyện lâu hơn. Trong căn nhà vắng êm đềm cô gái như một bức tranh thiếu nữ rực rỡ bội phần làm tâm hồn đa cảm yếu đuối của Khoa bị choáng ngợp trước hào quang của cô Nâu.
Cô kể nhà cô từ xưa đến giờ vẫn nghèo, cô bỏ học khi xong bậc tiểu học, làm đủ thứ nghề lao động, và bây giờ thì ở nhà phụ với mẹ nấu cơm, bán cơm trong xóm lao động này. Đôi mắt cô có lúc lóng lánh như muốn khóc, Khoa phải chạnh lòng:
-  Không ngờ hoàn cảnh em đáng thương thế.
Khi cô Nâu đứng lên chào tạm biệt ra về, Khoa tiễn cô ra cửa, khỏang cách hai người rất gần, mùi hương thơm nào đó từ người cô làm anh thoáng ngây ngất. Đôi mắt cô nhìn anh giùng giằng và sâu thẳm:
-  Em về nhé. Mai anh có ăn cơm không?
Khoa trả lời không cần suy nghĩ:
-  Coi như ngày nào anh cũng ăn cơm hai buổi, cho dù đi đâu anh cũng về ăn cơm…nhà.
Cô Nâu ngoan ngoãn:
-         Dạ, em sẽ ngày hai buổi mang cơm phục vụ anh.
Cô Nâu về rồi, nhưng hình ảnh bé Mốc ngày xưa lại lần lượt hiện ra.
Dạo đó anh và Huyền ở trong căn nhà này, hai đứa con, đứa lên 4 và đứa lên 2. Vợ anh làm kế tóan tài chánh cho một công ty nước ngoài, còn anh là kỹ sư. Chiều đi làm về, mang hai đứa con từ nhà trẻ về, cả hai vợ chồng đều bận rộn nhiều chuyện khác. Thế là mới có chuyện con bé Mốc thỉnh thoảng sang nhà giữ em giùm để vợ anh nấu cơm, còn anh thì nghiên cứu đọc tài liệu bổ sung cho công việc đang làm tại hãng.
 Bé Mốc qủa đúng là con bé nhà nghèo, quần áo lôi thôi cũ kỹ, đầu tóc rối ren, mặt thì nhem nhuốc, thế mà hai con anh lại thích bé Mốc, nó bồng bế hay đút cơm, đút cháo hai đứa đều ăn nhiều, có lẽ vì bé Mốc cũng trẻ con, biết cách chiều trẻ con?
Bé Mốc hay dẫn hai con anh ra chơi ở sân trước, chán lại ra vườn sau. Có lần anh thấy bé Mốc hái mấy dái mít non ở sau vườn chấm muối ớt ăn ngon lành. Tội nghiệp, con bé đói khát ăn rờ ăn rẫm, từ đó trở đi anh không còn ác cảm với nó nữa, cũng đồng tình với vợ anh để cho bé Mốc trông nom hai con khi vợ chồng anh bận bịu.
Những hôm không trông hai con anh, bé Mốc chạy ra khu mả Tây chơi đùa với lũ trẻ cùng xóm, mấy lần Khoa trông thấy nó leo trèo, nghịch ngợm hay lê la đất cát bẩn thỉu từ đầu đến chân.
Một buổi chiều anh ra vườn sau kéo nước giếng và tắm táp xong như thường lệ, vợ anh cũng đã xong công việc, chiều ấy Huyền thật xinh và tươi mát với bộ đồ mỏng mới may, làm Khoa bỗng dưng  “thèm muốn”, anh kéo vợ vào phòng. Chợt trông thấy con bé Mốc  bế em ở một góc nhà đang chăm chú nhìn theo vợ chồng anh, hình như nó hiểu chuyện và biết anh đang muốn gì?. Làm Khoa “quê”, liền bực mình gắt với nó:
-         Bế em ra vườn chơi đi, chốc nữa hãy vào nhà.
Bé Mốc vội vã tay bế tay dắt hai đứa con anh ra vườn sau.
Nghĩ đến đây Khoa cười thầm, không biết cô Nâu có còn nhớ chuyện xưa ? Bây giờ anh sẽ “quê” hơn ngày đó nữa.
Từ ngày sang Mỹ, vợ anh trông coi một tiệm nail cho em gái mình, vì cô em có hai tiệm nail nên không thể ba đầu sáu tay qủan lý hết được. Cửa tiệm lâu năm, quen khách, đắt hàng nên cô em trả lương chị rất rộng rãi.
Còn Khoa học nghề trung cấp kỹ thuật hai năm và ra đi làm. Nhưng mới bị lay off , đang ngồi nhà ăn tiền thất nghiệp.
Gia đình thằng em vợ đến Mỹ mấy tháng nay, đúng là thời điểm thuận tiện cho Khoa về Việt Nam lo chuyện bán nhà cửa. Khoa về một mình vì Huyền bận 6 ngày một tuần với tiệm nail, không dứt ra được.
Căn nhà nhờ ông Tuyên đứng tên và chăm sóc giùm, hàng tháng vợ chồng Khoa vẫn tế nhị gởi biếu ông chú tiền coi như trả công lao chú hậu hỉ.
                          ****************
Cô Nâu đã trở thành hình bóng thân quen không thể thiếu, mỗi ngày mấy lượt đến giao cơm và lấy đồ về, lần nào cô cũng kín đáo tránh cho hàng xóm biết cô đã ở lâu với người đàn ông trong căn nhà vắng.
 Hôm nào Khoa đi vắng về trễ thì anh hẹn mang cơm trễ, nên hầu như họ vẫn gặp nhau dù Khoa bận rộn đến đâu.
Đã có vài người khách đến xem nhà và đang thương lượng gía cả, Khoa không ngờ bà Năm Thêu nói đúng qúa, người mua sẵn sàng trả gía cao, nhưng anh còn chần chừ xem ai trả cao nhất mới quyết định. Mọi giấy tờ hợp lệ có sẵn, và ông Tuyên cũng sẵn sàng để ký tên.
Hôm nay Khoa về nhà hơi muộn, cô Nâu cũng vừa mang cơm đến. Dù đã ăn ở nhà bạn khá no, Khoa vẫn ăn cơm của cô Nâu cho cô vui lòng, và chính anh cũng muốn thế, để giữ chân cô. Nhiều ngày nay đã thân quen, cô ở lại đợi anh ăn cơm xong và dọn dẹp chén bát rửa ráy tại chỗ luôn. Họ đôi bóng như đôi vợ chồng son .
Khoa ngắm cô Nâu đang đứng rửa bát, cô mặc bộ đồ bộ lụa mát màu xanh nước biển nhạt, hở vai và đôi cánh tay trần giống như Huyền ngày nào đã làm anh bừng dậy một niềm khao khát. Hôm nay anh gặp lại niềm khao khát ấy.
Bất chợt cô Nâu quay đầu lại, nhìn nét mặt bần thần của anh, cô ngây thơ nũng nịu:
-         Anh nhìn trộm em và chê em gì hả? hả?
Trong đôi mắt đen thăm thẳm của người con gái đầy vẻ bí hiểm và thông minh, có lẽ cô Nâu lại đọc được ý nghĩ trong đầu óc anh như khi cô chỉ là con bé Mốc 13 tuổi năm xưa.
 Anh bối rối chưa biết nói sao thì cô gái nũng nịu tiếp:
-         Bắt thền anh đó, anh nhìn em hoài làm em rửa chén không có sạch nè !!
Anh như bị mê hoặc đến bên cô Nâu và vòng tay ôm lấy đôi vai tròn của cô:
-         Anh đền em đây…
Toàn thân cô gái tựa vào người anh, làm người anh nóng bừng lên, anh xiết chặt thân thể mềm mại của cô Nâu trong vòng tay của mình, thì thầm:
-         Anh yêu em qúa Nâu ơi…
-         Em cũng yêu anh…
Cô bạo dạn thêm:
-         Em yêu anh từ hồi em còn là bé Mốc lận, anh không biết đâu, mỗi lần anh tắm em đều lẩn quẩn ở ngoài vườn, chỉ để ngửi  mùi xà bông rất thơm tho của anh…
Cô áp mặt, dụi dụi vào ngực áo anh rồi hỏi:
-          Sao bây giờ anh  xài mùi xà bông khác ? em không thấy giống mùi cũ nữa…
Khoa càng mê man:
-         Em yêu anh đến thế ư? Em nhớ cả mùi xà bông tắm của anh ư? Ừ, ngày xưa anh dùng xà bông Coast, qùa từ bên Mỹ gởi về, anh thích mùi ấy lắm, nhưng bây giờ anh qua Mỹ thì không còn xà bông hiệu này nữa, nên anh dùng loại khác.
-         Có lần anh tắm xong, anh rủ chị Huyền vào phòng, em buồn lắm, em ganh với chị Huyền vì đã có anh.
-         Trời ơi, em còn nhớ vụ ấy hả? Anh xin lỗi Nâu, hôm nay anh sẽ đền cho Nâu ….
Người Khoa như lên cơn sốt, quay cuồng, tối tăm mặt mũi, anh không biết gì đến trời đất bên ngoài. Chỉ có cô Nâu xinh đẹp và quyến rũ tuyệt vời trong căn nhà vắng đồng lõa, đồng tình.
Chiếm được thân thể cô Nâu với tình yêu đáp trả nhiệt tình của cô, Khoa bỗng là một chàng trai mới lớn đang yêu và si tình, ngày nào anh cũng mong chờ cô Nâu. Cách đây 6 năm làm sao Khoa có thể nghĩ sau này mình sẽ yêu con bé Mốc đến thế này?
Cánh cổng sắt ngôi nhà mở đón cô vào, và khép chặt để không bị ai làm phiền, ngoại trừ những lần có hẹn cho người môi giới dẫn khách đến coi nhà.
Anh yêu Nâu thật rồi hay chỉ là một cơn choáng ? anh chẳng tha thiết gì đến chuyện trở về Mỹ với vợ con. Khoa còn đang như một cánh buồm lênh đênh trên biển.
    “ Anh chỉ là một cánh buồm tuyệt vọng,
       Giữa biển khơi không biết rẽ lối nào?
       Ở nơi đâu cũng là em, là sóng,
       Vỗ vào đời anh hạnh phúc, thương đau”
Tình yêu đã làm anh lãng mạn, anh làm 4 câu thơ ấy, đọc cho cô Nâu nghe, không biết cô Nâu có hiểu thơ không mà cô đã khóc trong lòng anh.
Khoa buồn bã và thành thật khuyên cô:
-         Dù muốn dù không anh cũng phải về Mỹ. Anh yêu em, nhưng không thể bỏ vợ con được. Em hãy quên anh đi Nâu nhé ?.
Cô Nâu trả lời trong nước mắt:
-         Em chỉ lấy người đàn ông nào giống hệt như anh thôi, hoặc là em sẽ đợi chờ anh về Việt Nam thăm em, làm người vợ không bao giờ cưới của anh, giống như một tuồng cải lương cũ má con em hay coi….
-         Tội em qúa ! mấy kiếp nữa anh cũng không đủ trả nợ tình cho em.
Khoa đã đồng ý bán nhà, vì không còn thời gian chần chờ thêm nữa. Khách hẹn sẽ đến coi lần cuối trước khi chồng tiền và tiến hành thủ tục giấy tờ.
Những ngày hiếm hoi còn lại anh càng say sưa yêu cuồng yêu vội cô Nâu hơn nữa.
Nhưng chiều nay người giao cơm không phải là cô Nâu mà là mẹ cô, bà Năm Thêu, làm Khoa thất vọng và ngạc nhiên.
Bà Năm Thêu theo Khoa vào trong nhà, tự động ngồi xuống ghế và lên tiếng trước:
-         Tôi biểu con Nâu ở nhà để tôi sang nói chuyện với cậu.
Linh tính báo cho Khoa biết một điều gì đó không hay đang xảy ra cho Nâu và cho anh. Bà Năm Thêu nhìn thẳng vào mặt Khoa và tiếp như quan tòa lên án:
-         Tôi đã biết chuyện tằng tịu giữa cậu và con Nâu nhà tôi. Bây giờ cậu tính sao?
Biết không thể chối cãi được, Khoa đành buông xuôi:
-         Tôi trót yêu Nâu, yêu rất nhiều bác biết không?
-         Nhưng cậu cũng phải tính sao chứ, không lẽ cậu hưởng con nhỏ cho đã đời rồi khơi khơi về Mỹ với vợ con cậu như không có chuyện gì xảy ra ?
Khoa khổ sở:
-         Tôi cũng không biết mình phải làm gì nữa, thật tình tôi đau buồn khi chia tay Nâu.
Bà Năm Thêu đanh thép:
-         Cậu phải cưới nó, giữ danh dự đời con gái cho nó.
Khoa hoảng hốt:
-         Bác Năm Thêu biết tôi còn vợ, còn con mà…
Giơ cao đánh khẽ, bà Năm Thêu xuống giọng tử tế:
-         Thôi, không ai nỡ làm gia đình cậu xào xáo ly tan, nhưng cậu phải đền bù đời con gái con tôi cho xứng đáng, cậu giúp nó một số tiền làm vốn, làm lại cuộc đời. Tôi sẽ bỏ qua chuyện này.
Khoa cũng đã nghĩ tới điều này, vì tình yêu anh dành cho cô Nâu chứ không phải vì bị cưỡng bức, đòi hỏi như bây giờ, nên Khoa đồng ý ngay:
-         Điều này tôi có thể làm được, tôi cũng muốn giúp Nâu có cuộc sống khá hơn.
Bà Năm Thêu đòi hỏi huỵch toẹt:
-          Cụ thể tôi đề nghị cậu cho nó 10 ngàn đô la Mỹ.
-         Mười ngàn đô la Mỹ?
Thấy phản ứng của Khoa sửng sốt ngạc nhiên và không hài lòng bà Năm Thêu giáng một đòn đe dọa:
-         Nếu cậu muốn trong ấm ngoài êm, chuyện tình của cậu và con Nâu hàng xóm láng giềng chưa ai hay biết đâu. Tôi thề sẽ giữ kín, cậu mới bán nhà được gía qúa mà, tiếc chi món tiền này.
Mười ngàn đô la là số tiền không nhỏ, ngoài dự tính của Khoa, nhưng tội anh to lớn qúa, làm hại đời con gái trinh trắng của cô Nâu, và anh cần bảo vệ hạnh phúc gia đình, với gía ấy vẫn còn rẻ.
Khoa ngẫm nghĩ và đồng ý. Cũng may anh chưa gọi phôn báo cho vợ về gía cả căn nhà mà anh vừa quyết định bán, nên anh có thể thêm đầu này bớt đầu kia cho hợp lý và Huyền sẽ tin, miễn là bán xong căn nhà cho rảnh tay.
                    ***************
Khoa về Mỹ, lại lao vào cuộc sống hàng ngày.
Một năm trôi qua, tình yêu nóng bỏng dành cho cô Nâu qủa là một cơn chóang, đã  vơi dần theo ngày tháng vì xa mặt cách lòng. Khi lạc vào biển yêu trong hoàn cảnh trái ngang ai cũng chỉ là cánh buồm tuyệt vọng, ngẩn ngơ.
Bây giờ tỉnh người ra anh mới thấy mình hư qúa, vô tình đã phản bội vợ và hại đời con gái của cô Nâu .
.Anh thấy lòng tạm thanh thản, với 10 ngàn đô la, có thể đã giúp cô Nâu hay gia đình cô thay đổi cuộc sống khá hơn với một ngành nghề nào đó. Anh chỉ cầu mong cô Nâu sẽ gặp được người đàn ông giống anh, cho cô yêu và lấy làm chồng thì anh mới thật sự yên tâm.
Một hôm Huyền hỏi chồng:
- Anh có nhớ nhà bà Năm Thêu ở phía sau nhà mình ngày xưa không?
Khoa giật bắn người, tim anh đập thình thịch chỉ sợ nghe vợ nói ra những điều  tội lỗi thầm kín của anh, nhưng Huyền vẫn vô tư kể tiếp:
-  Bà Năm Thêu má bé Mốc, con bé ngày xưa bế con mình đó, nhớ ra chưa?
Khoa dè dặt:
-  Biết rồi, sao?
-  Chị bạn cùng xóm mới về Việt Nam qua kể lại là năm rồi nhà bà Năm Thêu trúng mối gì không biết, bỗng khá gỉa lắm, có tiền sắm ti vi, xe gắn máy và đồ đạc trong nhà. Nhưng sắm bao nhiêu bà lần hồi bán bấy nhiêu vì bài bạc và số đề…
Khoa buột miệng:
- Tội nghiệp qúa !
Vợ anh chép miệng theo:
-  Chưa tội nghiệp bằng con Mốc, tên nó là Nâu, bây giờ người ta đồn nó bị bệnh Aids rồi, nên hàng cơm bà Năm Thêu bị ế ẩm, không ai dám ăn, cảnh nhà càng khốn khổ.
-    Trời ơi ! cô Nâu bị..bị…??
Vợ anh lập lại:
-         Bị bệnh Aids, tội con bé qúa hở anh? Bé Mốc hồi mới lớn, mới trổ mã đã đi bán bia ôm, làm gái rồi, nhưng kiếm tiền sao cho xuể với người mẹ ham mê bài bạc quanh năm suốt tháng. Trước sau gì cũng đi đến bước đường cùng này thôi.
Trong lời nói và cử chỉ của vợ, Khoa tin là Huyền không hề hay biết gì chuyện tình cảm của anh và cô Nâu. Bà Năm Thêu dù là người tệ hại thế nào, ít ra cũng biết giữ lời hứa, không xì ra chuyện anh đã ngủ với con gái bà, mà nói ra thì mẹ con bà cũng mang tiếng xấu chứ hay ho gì. Có lẽ đó mới là cái “tình làng nghĩa xóm” của bà, mà anh mong muốn nhất.
Bây giờ Khoa đã hiểu vì sao bà Năm Thêu đon đã hỏi thăm anh, mời anh ăn cơm hàng nhà bà và gài độ cho cô Nâu, đứa con gái đã từng bán thân nuôi miệng, nuôi cả gia đình, đến với anh, như một đứa con gái trong trắng con nhà nghèo hiền lành, để anh lọt vào cạm bẫy tình yêu của mẹ con cô.
Bây giờ anh cũng hiểu con bé Mốc thuở lên 13, không hề là đứa trẻ ngây thơ, nó đã tinh ranh, biết rình rập khi anh tắm và khi vợ chồng anh vào phòng ngủ.
Thảo nào khi hai người gần gũi, cô Nâu đã tỏ ra rất nhiệt tình, biết cách làm cho anh thêm say đắm.
Suốt mấy tuần lễ cô Nâu mang cơm cho anh, cô đã đóng vai kịch con nhà nghèo, ngây thơ, thật xuất sắc, qua mặt thằng đàn ông thật thà và nhiều tình cảm như anh dễ dàng. Những giọt nước mắt, những lời thổn thức yêu đương của cô dành cho anh, có lẽ cô cũng từng dành cho nhiều người đàn ông khác để làm họ hồn siêu phách tán. Đó là nghề của cô.
Khoa thấp thỏm lo âu lén vợ đi thử máu, xem có dương tính HIV không, có bị lây nhiễm từ cô Nâu không? mặc dù một năm qua anh không thấy có dấu hiệu gì khác lạ cho sức khỏe.
Kết qủa thử máu làm anh sung sướng như vừa được cứu sống từ cõi chết, anh bình thường không hề bị HIV.
Có thể cô Nâu bị bệnh HIV nhưng  may mắn cho anh đã không bị lây nhiễm? hoặc có thể sau khi chia tay anh cô Nâu mới bị bệnh HIV, khi cô giao tiếp với những người đàn ông khác??
Thôi, dù vì lý do gì anh cũng hãy cảm tạ thượng đế đã che chở cho anh an toàn sau một cơn sốt tình mê dại.
Anh đã trả gía cho cơn sốt tình ấy 10 ngàn đô la, qúa đắt so với “gía cả” bình thường của cô Nâu “đi” với những người đàn ông khác, và suýt nữa bằng cả sinh mạng của anh và vợ anh, cũng như tương lai của hai con sẽ ảnh hưởng không biết tai hại đến chừng nào.
                   Nguyễn Thị Thanh Dương.
                      ( June 19, 2011 )

Monday, June 27, 2011

Người Hùng Cô Đơn


            Hôm qua tôi xem lịch, hôm nay ngày 20 tháng 3, ngày Cúng Thất (49 ngày) cho Ðại-tá Nguyễn-mạnh-Tường.  Trong lịch ghi hôm nay là ngày "Spring Begins".  Mùa Xuân đã đến rồi , thế sao vùng tôi ở lại mưa tuôn tầm tã, ngoài trời lại rất lạnh, hàn thử biểu trong nhà chỉ 65 độ.  Như vậy, ngoài trời chỉ vào khoảng 50-55 độ mà thôi.  Bà xã tôi từ bếp ra, bưng ly cà-phê đưa tôi và nói:  "Hôm nay là ngày Cúng Thất cho Ðại tá Tường.  Chương trình cho biết 10 giờ sáng bắt đầu, khoảng 9 giờ mình đi là vừa."  Hôm nay Chúa Nhật, trời mưa, gió to và lạnh nữa nên xa lộ cũng vắng xe.  Tuy nhiên, bà xã tôi cũng không dám lái nhanh, vì sợ đường trơn và gió tạt rất mạnh.  Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây:  Đã 3 năm nay, vì tôi bị bệnh "Vertigo" nên Bác Sỹ khuyên không  nên lái xe, nhất là lái ngoài "freeway".  Do đó, mọi sự di chuyển đi đây, đi đó đều do bà xã tôi lái.  Ðược cái bả luôn vui vẻ, và không quên nhắc cho tôi nhớ lịch trình của tôi sắp phải đi đâu...  Và có đôi khi tôi phải họp hành 2, 3 tiếng, bả ngồi chờ ngoài xe cũng không than phiền gì cả!  Xin có lời cám ơn Bà Nội, Bà Ngoại mấy cháu.
          Trên đường đi, tôi nhớ những kỷ niệm của tôi với Ðại tá Tường.  Cuối năm 1964, tôi từ  BÐQ về trình diện Sở Liên Lạc (SLL).  Lúc này, Ông Tường làm Trưởng Phòng 3 của Sở.  Tôi còn nhớ, sau khi trình diện Ðại tá Hồ-Tiêu xong, Ông Tiêu kêu Trung uý Nham, Chánh Văn Phòng đưa tôi đi đến từng Phòng, từng Ban của SLL để giới thiệu cho biết.  Và đồng thời, ông cũng đưa tờ giấy ghi là tôi sẽ làm việc ở Phòng 3.  Tôi được đưa đi giới thiệu hết các Phòng, và cuối cùng là Phòng 3.  Việc đầu tiên tôi nhận xét là:  Ông Trưởng Phòng mình so với các vị Trưởng Phòng khác hơi nhỏ con, nhưng bù lại rất dễ cảm tình vì ông luôn luôn cười và ăn nói thật nhỏ nhẹ.  Tôi cũng được biết là năm 1960, ông có tham gia với Ðại tá Nguyễn-chánh-Thi đảo chánh Tổng thống Ngô-đình-Diệm nên bị đi tù Côn Đảo khi cuộc đảo chánh bất thành, và sau đó được trả tự do sau Cách  Mạng 1963.  Ngoài Ông Tường ra, SLL còn có 2 vị cũng từ Côn đảo về là:  Ðại-úy Nguyễn-văn-Thanh ( Ðại Đội Súng Cối SÐ Dù), và Trung úy Lê-văn-Ðàng (không liên quan với đảo chánh năm 1960).
          Thời gian này SLL mới thành lập, nhân viên từ bên Tổng Tham Mưu mới chuyển qua tiếp nhận doanh trại của Bộ Tư Lệnh LLÐB khoảng chừng vài tháng trước.  Do đó, còn rất nhiều phòng ốc bỏ trống với đầy đủ giường tủ nên các sĩ quan độc thân của Phòng 3/SLL đều có phòng riêng ở trong trại.  Trong đó gồm có Ðại uý Tường, Trung úy Trần thụy Ly, Nguyễn văn Ôn, Phan nhựt Văn, Trần trung Ginh và tôi.  Buổi chiều khi hết giờ làm việc, mọi người đều ra tắm ở bể nước phía ngoài Phòng 3.  Sau đó, ra ngoài ăn và đi chơi đến khuya mới về.  Ông Tường có chiếc Vespa thường đi chung với Thiếu úy Ôn.  Ông Ly thì có bồ làm ở Văn Cảnh nên thường thì sáng hôm sau mới vào trại.  Tôi và Phan nhựt Văn đi chơi chung, nhưng thỉnh thoảng nó ghé vào nhà con Kim Huê bồ nó, làm ở Tour D’Ivoire.  Chỉ có Trần trung Ginh là không đi chơi đâu cả, ăn uống xong là tập kéo đờn đại hồ cầm cho đến lúc chúng tôi đi chơi về.  Hôm nào Ông Tường và Ôn không về trại thì biết ông và thằng Ôn ngủ ở phòng vãng lai Câu Lạc Bộ SQ An Ðông, vì ông có 1 phòng ở đó.
          Cũng trong thời gian này, MAC-SOG và SLL mới bắt đầu bàn luận các kế hoạch và hình thành những công tác cho tương lai.  Do đó, chúng tôi chẳng có việc gì làm cả.  Ngoài Ông Tường, thằng Ôn cùng Trần trung Ginh, suốt ngày lo làm bản đồ cho Ð/T Hồ-Tiêu mang qua Tổng Tham Mưu trình Ðại tướng.  Công việc của tôi trong mỗi phiên trực là nhựt tu lại tình hình Ðịch và Bạn trên bản đồ ở Trung Tâm Hành Quân (TTHQ).  TTHQ này do BTL/LLÐB để lại, bản đồ rất lớn khoảng 12 x 8 thước.
          Tình hình Địch hay Bạn đều xảy ra trên đất Lào.  Tin tức này do những sĩ quan SLL qua Lào dưới dạng "Tùy Viên Quân Sự", rồi về nằm vùng tại các phân khu như:  Tchépone, Salavan, Savanakhet, Atopeu và Paksé gửi về.  Tin tức đều chú trọng vào sự xuất hiện của các đơn vị Cộng Sản theo đường mòn Hồ chí Minh xâm nhập vào miền Nam, theo dõi các biến động và di chuyển của địch trên đường số 9 và đường 922 vào vùng Khe sanh và vùng Tam biên; chú trọng vào 3 căn cứ địa 604, 611, và 612.  Tôi còn nhớ Ðoàn 559 của  Bắc Việt thường có mặt ở vùng này.  Một lần lên ca trực, tôi thấy Ðoàn này theo tọa độ di chuyển 1 khoảng ngắn không đáng kể, nên tôi không nhật tu lại tình hình.  Buổi trưa Ông Tường vào TTHQ xem lại tình hình địch, thấy tọa độ trên bản đồ và bản tin ông cầm trên tay không giống nhau.  Ông hỏi tôi sao chưa nhật tu?  Tôi nói:  "Thằng 559 này cứ đi qua đi lại, cùng gần 1 chỗ nên tôi không sửa lại..."  Tôi còn cố nói thêm:  "Mình đâu có dùng phi cơ hay pháo binh gì đâu, nên xê xích chút đỉnh cũng đâu có sao!"  Ông hừ một tiếng rồi bảo:  "Nói như thế mà cũng nói được."  Nhớ đến chuyện này tôi quê với ông hết sức!
          SLL có khoảng hơn 15 người, vừa SQ và HSQ theo học nhảy dù bên TTHL/SÐ/Dù.  Lần nhảy saut thứ 4, trong lúc chờ lên phi cơ tại phi trường TSN, một nhóm HSQ thuộc đơn vị bạn, cũng học nhờ ở SÐ Dù, gây lộn với vài SQ cùng đơn vị mình. Tôi thấy nhóm HSQ này gọi những SQ của họ bằng "mày, tao".  Tôi nổi nóng nhảy vào can thiệp, thế rồi xảy ra ấu đả...  Buổi nhảy dù vẫn tiến hành tốt đẹp, nhưng buổi chiều về đến Sở thì tôi được biết là bên Sư Đoàn Dù đuổi tôi, không cho đi nhảy tiếp.  Tôi trình bày sự việc với Ông Tường và nói là:  "Ðại-úy hỏi các anh em của Sở thì biết, tôi không phải là người gây sự trước."  Sau đó, ông đưa tôi lên văn phòng CHT.  Ðại tá Hồ-Tiêu nghe tôi trình bày cũng không la rầy gì.  Lúc Ông Tường đưa tôi lên trình diện, ông có làm phiếu trình và kèm theo một giấy phạt 4 ngày, nhưng ông để tờ giấy phạt bên dưới, không đưa ra.  Do đó tôi thoát nạn!  Trên đường từ văn phòng CHT trở về Phòng 3, ông nói:  "Các cậu lúc nào cũng du-côn."  Ðó là câu duy nhất ông rầy tôi.  Có điều buổi sáng hôm sau, thấy mọi người lên xe qua phi trường nhảy saut thứ 5 tôi quê quá, không dám nhìn mặt ông.  Lúc ông ở văn phòng thì tôi chui vào TTHQ, lúc ông vào TTHQ thì tôi biến ra ngoài.  Buổi chiều tôi chạy qua bên SÐ Dù, vào gặp Ông N.Q.T, Tham Mưu Trưởng SÐ/Dù, xin ông ấy cho đi học lại.  Vài hôm sau, tôi được tiếp tục nhảy tiếp saut thứ 5 của khóa sau.  Tôi hơn mọi người là học khóa 58A/ND, nhưng được cấp bằng khóa 58B/ND!
          Ngoài trời vẫn còn mưa khá nặng hạt, gió cũng khá mạnh hơn lúc sáng.  Con đường dẫn đến Chùa từ hướng Freeway xuống bị đóng để sửa đường, xe phải chạy vòng cũng khá xa.  Tìm chỗ đậu xe xong là chạy nhanh vào chùa vì cơn mưa thật lớn.  Buổi cúng cũng mới vừa bắt đầu.  Niên trưởng Mục nói sơ qua về tiểu sử của Ðại tá Tường, và nói lý do mà anh em Khóa 5 Vì Dân muốn đem ông Tường về chôn ở Nam-Cali.  Sau đó, Thượng tọa Thích viên Lý nói ông rất cảm phục bổn phận và lòng yêu nước của Ðại tá Tường mà ông đã đọc được qua báo chí và trên Net.  Buổi lễ có mặt khoảng chừng 15 người.  Bên ngoài thì mưa gió bão bùng.  Trong chùa chỉ vỏn vẹn không quá 15 người nên không khí thật thê lương, ảm đạm.  Tôi nhìn bức ảnh ông mặc đồ bông, đội nón đỏ, trên bàn thờ nhìn xuống như mỉm cười.  Không biết linh hồn ông có hiện diện trong buổi lễ này không?  Ông có buồn trong buổi lễ cúng hôm nay, cũng giống như hai ngày tang lễ của ông 49 ngày trước?  Không có hình bóng một người thân, không có một chiếc khăn tang nào hiện diện cả!  Hôm ở nhà quàn, còn có bức ảnh chụp cô con gái nuôi của ông ở bên Ðức cùng hai người con chít khăn tang gửi sang, cũng bù đắp thêm được phần nào hình ảnh của một đám tang cần phải có.  Hôm trước ở nhà quàn, người quỳ đội sớ là con rể của Ðại tá Vị, cựu Tỉnh trưởng Bình Định.  Hôm nay thì có thêm một cô, tôi nghĩ chắc cũng là con gái của một vị nào đó trong số bạn bè của ông.  Hôm nay chỉ có mỗi Thượng tọa Thích viên Lý tụng kinh cho buổi lễ.  Còn hôm ở nhà quàn, ngoài TT Thích viên Lý ra còn có hai vị Hòa thượng khác, cùng một ông Mục sư lo việc tụng niệm trong 2 ngày tang sự này.
Hai vị Hòa-thượng tụng kinh xong lại khóc than, kêu gọi tên Ông Tường thật thảm thiết làm mọi người đều mủi lòng.  Tôi thấy nhiều người lớn tuổi kín đáo lấy tay chậm vội mắt.  Hỏi ra mới biết hai vị Hòa thượng này là cựu Ðại tá Trần văn Tự, bây giờ với pháp danh Không Chiếu, và vị Hòa thượng kia là cựu Ðại tá Dương hiếu Nghĩa với pháp danh Không Như.  Bây giờ tôi mới thấy câu "vô thường" là thật đúng ở hoàn cảnh ngày hôm nay.  Hôm trước ở nhà quàn, ông nằm trong quan tài như đang ngủ.  Bệnh tật tuy có hành hạ ông, nhưng sắc diện của ông cũng không tiều tụy cho lắm.  Hôm nay, nhìn hình ông trên bàn thờ với nụ cười mím chi, trông như thoát tục.  Có lẽ ý nghĩ của tôi cũng đúng, chắc ông đã ngộ được Thiền rồi.  Bấy lâu nay ông nghiên cứu Phật Pháp, nghiên cứu Thiền, phái Trúc Lâm Yên Tử.  Tôi nhớ đâu khoảng năm 2000, từ San Diego lên quận Cam, ông gọi điện thoại cho tôi.  Tôi đón ông và rủ N/T Lê quang Tiềm cùng N/T Võ tân Tiếng đi ăn.  Trong suốt bữa ăn, ông giảng về Thiền, về con đường giải thoát.  Chắc tôi cũng có duyên với ông nên trong dịp này ông tặng tôi quyển Tổng Luận về Thiền.  Một điều làm tôi ngạc nhiên là quyển sách này do ông viết tay, chữ nhỏ như con kiến.  Không biết ông đọc qua bao nhiêu quyển sách Thiền để rồi cô đọng lại thành quyển sách viết tay gần 40 trang đầy giá trị này (trong ngày tang lễ ở nhà quàn, N/T Mục có in lại khoảng 50 quyển để ở cửa bước vào, ai có duyên thì đã nhận được 1 quyển).  Ông nói ông có cơ duyên học được phương pháp "bấm huyệt".  Có lần ông rủ tôi cùng với ông đi 1 vòng Nam, Bắc-Cali để trị bệnh cho bạn bè.  Dạo đó tôi chưa về hưu nên không cùng ông đi đưọc.  Mỗi lần ông lên quận Cam, tôi đón đưa ông ở nhà một người bạn ở đường New Hope, đối diện chùa Bảo Quang.  Tôi cố đọc quyển sách Thiền ông tặng nhưng không hiểu nhiều lắm, chỉ thuộc lòng mấy câu:

"Tánh tức là Tâm - Tâm tức là Phật -
Phật tức là Ðạo - Ðạo tức là Thiền"
oOo
"Ở đời vui đạo cũng tùy duyên
Ðói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báo thôi tìm kiếm
Ðối cảnh không Tâm chớ hỏi Thiền"
          Bây giờ thì Thượng tọa Thích viên Lý tụng đến phần kinh Bát Nhã Ba La Mật:  "Sắc tức thị không, không tức thị sắc".  Cái gì có đó, rồi cũng mất đó.  Ông Tường ơi!  Ông mất đi nhưng để lại trong lòng bạn bè vô vàn thương tiếc...  Tôi đã có mặt trong hai ngày ở nhà quàn, phụ giúp tiếp đón quan khách đến phúng điếu nên tôi biết có những người chưa từng quen biết ông, như vợ chồng ông bà N.P ở Simi Valley.  Bà vợ nói:  "Hôm trước tụi em lên San Jose thăm bà con, nghe nói có một vị Ðại tá đang hôn mê chờ chết trong nhà thương, nhưng không có thân nhân nào thăm viếng cả.  Vợ chồng em có vào thăm, chỉ thấy bạn bè ông ngồi đầy bên ngoài phòng đợi, chờ đến lượt mình được vào thăm mà thôi.  Hôm nay, tụi em thấy báo đăng ông được bạn bè mang về chôn ở dưới này nên vợ chồng em xuống viếng ông lần cuối.  Tụi em biết ơn ông, một đời chỉ biết lo cho đất nước..."  Trước hôm ông mất khoảng 10 ngày, tôi nhận được được một cú điện thoại  của một cô gái xưng tên là T.A.  Cô cho biết, qua 1 người bà con, cô biết được hoàn cảnh của ông Tường, và người bà con này cũng cho cháu biết Chú trước có ở cùng đơn vị với Ông Tường nên cháu gọi đại Chú, hỏi thăm vợ con Ông Tường đã biết tin tức ông ấy đang bị hôn mê chưa?  Giọng cô nói thật xúc động như không cầm được tiếng khóc!  Cô cho tôi địa chỉ e-mail của cô, nói có tin tức gì về vợ con của Ông Tường từ Úc châu gởi qua thì làm ơn cho cô biết.  Và sau này, có tin tức gì liên quan đến Ông Tường tôi đều forward cho cô.
          Tôi nhớ sau những loạt bài "Chiến trường Bình Ðịnh và Mãnh Sư Nguyễn mạnh Tường" của Trần thúc Vũ, bài "Ðại Bàng Gẫy Cánh" của Song Vũ, là những tin tức về bệnh tình của ông càng ngày càng nặng.  Ông bị hôn mê từ ngày nhập viên đến  lúc này, cùng với tin là không biết thân nhân của ông ở đâu mà nhắn.  Trong một bản tin tôi đọc được trên Net, nghe nói Bà Tường và 2 người con đang định cư ở Úc, tôi vội gửi e-mail nhờ anh VÐT bên đó nhắn tin và dò tìm giùm.  Thời gian này có hơn 5, 7 trang nhà của các hội đoàn QÐ đăng tin tìm bà vợ và 2 con của ông.
          Phần tôi thì tôi e-mail cho các bạn ở Mỹ, Canada và bên Úc nhờ tìm.  Cô Dược Sĩ  T.T.H tôi thường đến lấy thuốc, mỗi lần tôi đến, cô đều từ bên trong chạy ra hỏi:  "Chú Minh, đã có tin tức gì về vợ con Ông Tường chưa hả Chú?"  Tiếp đến là bài viết của Giao Chỉ San Jose "Tình Chiến Hữu", cùng với hình ảnh bạn bè ngồi chờ đến lượt vào thăm ông tràn đầy trên Net.  Rồi báo chí cũng vào cuộc...  Lúc này thì tin một Ông Ðại tá hôn mê nằm chờ chết mà không có thân nhân được bàn tán ở các quán cà-phê mà giới quân nhân thường ngồi.  Rồi trang nhà của Phonui Pleiku đăng bài thơ "Người Lính Già Vừa Mới Chết Ðêm Qua" của Trần trung Ðạo làm  mọi người đều tưởng là Ông Tường đã ra đi.  Nhưng rồi ông cũng ra đi thật, nhưng ra đi mà không  mãn nguyện, vì vắng bóng vợ con.
          Hai ngày tôi túc trực ở nhà quàn nhận thấy mọi người đến với ông, một phần nhỏ cảm thương ông không có mặt vợ con, cô độc lúc ra đi.  Một phần khác kính phục ông suốt đời chỉ biết lo cho dân, cho nước.  Nhìn những cụ già chống gậy hay ngồi xe lăn, tuổi đời cũng gần 80 hay hơn nữa thì biết chắc đây là những SQ Khóa 5 Vì Dân của ông.  Ðộng cơ nào thúc đẩy quý vị này không quản mưa gió, cả 2 ngày đều có mặt?  Không phải vì xã giao, nhưng vì cùng Khóa và chính vì lòng quý trọng cuộc đời binh nghiệp của Ông Tường.  Gần một phần ba những người đến nhà quàn trong 2 ngày là giới trẻ, có người chưa từng ở trong quân đội, nhưng đến viếng ông vì ngưỡng mộ ông qua những bài đăng trên báo, hay trên Net mà họ đã đọc được.  Qua bài viết của Trần phong Vũ về trận đánh giải tỏa Ðề Gi, và trận đánh giải tỏa phi trường Phù Cát mới thấy ông thật là một Thiên Tài Quân sự.
          Niên Trưởng Phan trọng Sinh có nói cho tôi biết là những kế hoạch hành quân sau này mà OP-35 thực hiện, là do Ðại tá Tường soạn thảo ra.  Số là những toán Lôi-Vũ hành quân nhảy dù trên đường số 9, vùng Đông Bắc Khe sanh và Tchepone không đạt được kết quả như mong muốn.  Do đó, Ðại tá Tường đề nghị với phía đối nhiệm Hoa kỳ thành lập những toán xâm nhập bằng trực thăng vào sâu trong đất Lào, cách biên giới Lào Việt khoảng 10 đến 15 cây số.  Và lập nhữngTiền Doanh (FOB), và những T/D này là điểm xuất phát hay yểm trợ các cuộc hành quân xâm nhập sau này.
          Lúc Thượng tọa Thích Viên Lý vừa xong phần tụng kinh và mời mọi người lên thắp nhang, tôi khấn:  "Ông Tường ơi!  Chắc ông đã bước vào con đường giải thoát mà có lần ông đã giảng cho tôi."  Bây giờ ngoài trời vẫn còn mưa.  Tôi bỗng chợt nhớ đến trận mưa bất thường hôm chôn ông.  Khi quan tài ông vừa ra khỏi nhà quàn thì mưa bắt đầu rơi tầm tã.  Khoảng hơn 2 phần 3 người đi đưa tiễn không có dù hay áo mưa nên số người đi sau quan tài cũng rất ít.  Không biết có phải Ông Trời xót thương hoàn cảnh cô độc của ông không mà mưa càng lúc càng to, nên số người càng lúc càng bớt đi.
          Ðến địa điểm chôn, Thượng tọa Thích viên Lý và quý Hòa thượng đứng trong lều tụng kinh, cùng một số quan khách đưa tiễn đứng chật cả lều.  Tôi và Ðại tá T.M.C và một vài người có dù đứng bên ngoài, riêng toán thu kỳ thì chịu trận dưới mưa.  Thôi thế cũng xong.  Nếu linh hồn ông có phảng phất trong lúc này quanh đâu đây, chắc ông cũng vui vì tấm lòng của mọi người hiện diện trong cảnh mưa gió bão bùng này.  Ông T.M.C nói:  "Đám tang tay này thật đặc biệt.  Moa thấy mọi người đến chia buồn đều nán ở lại, như bù lại cảnh cô đơn vắng bóng người thân của ông."  Nhà quàn cũng đầy những vòng hoa thương tiếc, toán phủ cờ cũng đầy đủ trang nghiêm.
          Vợ chồng tôi vì có một cái hẹn nên không ở lại dùng cơm chay do nhà chùa khoản đãi được và sau đó, tôi chào N/T Mục ra xe về.  Trên đường về tôi nghĩ:  "Cũng may mà các bạn cùng Khóa với ông mang ông về chôn dưới này, nên tôi còn có dịp nhìn được mặt ông lần cuối!"
  
 Lê-Minh
13.4.2011

Tien Doanh 1 Phu Bai Hue - FOB 1 Forward Operation Base # 1


          Trong những tháng gần đây, những tin anh Quảng, anh Hội, rồi kế đến Sáu Già từ Việt-nam lần lượt ra đi, khiến những kỷ niệm của tôi với Phú Bài bỗng phút chốc hiện về.  Phải nói thật, tất cả những Tiền Doanh (T/D) thuộc Sở Liên Lạc tôi đều có một thời gian ngắn hoặc dài làm việc ở đấy.  Nhưng nói về những kỷ niệm thì có lẽ Phú Bài là nơi tôi còn nhiều kỷ niệm nhứt.  So với FOB # 2 (sau này là CCC), FOB # 4 (sau này là CCN) và FOB # 5 (sau này là CCS), thì doanh trại của T/D-1 Phú Bài thật nhỏ xíu, được Trung Tâm Huấn Luyện Đống Đa nhường cho một dãy bìa của TTHL, nằm về hướng Bắc của Trung Tâm và cạnh đó là làng Phù Lương.  Nhường cho T/D-1 phần này, TTHL/ĐĐ  khỏi phải lo phòng thủ phía Bắc.  Vì diện tích quá nhỏ và phần doanh trại mà TTHL nhường lại chỉ có 1 dãy nhà, cho nên công binh Mỹ phải xây cất thêm rất nhiều để cung ứng đủ nhu cầu như phòng ăn, phòng ngủ, nhà kho, câu lạc bộ, và TTHQ, v.v... do đó phải nói là thật chật chội.
          Về mặt phòng thủ thì phía Nam là TTHL/ĐĐ và phía Tây là QL-1.  Bên cạnh QL-1 là bãi đất rộng, dùng để trực thăng Kingbee và trực thăng võ trang đậu ứng chiến ban ngày.  Phía Bắc là làng Phù Lương, phía Đông thì có vài đám rẫy và vài căn nhà, do đó vấn đề phòng thủ chỉ là cho có mà thôi.  Chỉ sợ đặc công hay pháo kích, nhưng suốt thời gian tôi  ở T/D-1 đóng tại Phú Bài, hai chuyện này không có xảy ra.

          Năm 1967, T/D-1 có khoảng 15 Toán Thám Sát.  Tại sao lại “có khoảng”, bởi vì có toán bị rụng một ít, hoặc đi đứt cả toán và còn đang chờ bổ sung nên quân số cứ trồi sụt từ 12 đến 15 toán là vậy.  Tiền Doanh 1 và Tiền Doanh 2 lấy tên các Tiểu bang Hoa kỳ như Alaska, Iowa, hay Ohio, v.v… đặt tên cho toán.  Tiền Doanh 5 và Tiền Doanh 6 lấy tên Chisel, Hammer, hay Shovel, v.v… mà đặt tên.  Có điều “luật bất thành văn” là:  Hễ có toán nào bị thiệt hại nặng quá nửa  toán, hay là “đi đoong” hết nguyên toán thì sẽ không dùng lại tên toán đó nữa.  Ngoài Đại Đội Thám Sát có quân số như vừa kể trên , T/D-1 Phú Bài còn có 3 Đại Đội Xung Kích tiếp ứng và 1 Đại Đội An Ninh, chỉ lo phòng thủ và phụ trách cổng chính.  Đ/Đ Xung Kích phần đông là người Nùng , Đ/Đ An Ninh phòng thủ thì đa số là người Hoa
          Tôi phục vụ tại T/D-1 Phú Bài khoảng 1 năm rưỡi, dưới các đời Chỉ-huy-trưởng như:  N/T Ngụy Hiền, N/T Hồ châu Tuấn, N/T Đoàn kim Tuấn, rồi lại N/T Hồ châu Tuấn.  Ông Hồ châu Tuấn làm việc ở T/D-1 Phú Bài hai nhiệm kỳ.  Về phía Cán bộ Việt nam thì gồm các Sĩ Quan và Hạ Sĩ Quan nắm toán, phần cán bộ làm việc ở tham mưu chỉ có vài ba người.  Tổng số cán bộ VN không quá 30 người.  Phía đối nhiệm HK thì quân số nhiều gấp 5 lần!  Thời gian này chưa thành lập toán VN.  Do đó, mỗi toán thường thì có một Toán Trưởng, do SQ hoặc HSQ cán bộ đảm trách.  Tuy nhiên, vì cán bộ VN còn thiếu nên có những toán do Biệt Kích Quân làm Toán Trưởng.  Về phần H/K thì mỗi toán đều có 3 quân nhân Mỹ, và chúng ta có thể thấy ngay tại sao H/K có nhiều quân số hơn phe ta.
          Khoảng cuối năm 1967, một số Chuẩn Úy mới ra trường được bổ xung về làm Toán Trưởng, gồm C/U Nguyễn xuân Tám, C/U Ngọc, C/U Thắng, C/U Tuyền, C/U Bằng mới lần lượt thay các Toán Trưởng BKQ.  Về sau C/U Thắng và C/U Bằng cũng chết.  Sự việc này đã xẩy ra hơn 40 năm về trước nên có thể trí nhớ của tôi cũng không còn đúng lắm, nhưng nếu tôi nhớ không lầm thì Chuẩn úy Nhuận làm Toán Trưởng Alaska, Trung Sĩ Từ - Dakota, Trung Sĩ Thọ (Trắng) - Alabama, Trung Sĩ  Kế - Dakota và Trung Sĩ Thế toán Kansas.  Còn các Trung Sĩ Huỳnh, Trung Sĩ Khâm, v.v... tôi không nhớ nắm toán nào.


          Nghe nói nhóm HSQ Toán Trưởng này phần đông là những HSQ thật xuất sắc ở các binh chủng được tuyển chọn về  cho một chương trình "Nhảy Bắc".  Nhưng sau cuộc cách mạng 1963, chương trình này tạm dẹp bỏ, và bên CIA bàn giao lại cho MAC-SOG nên các  HSQ này chuyển sang OP-35.  Bây giờ kiểm điểm lại số HSQ này đã đền nợ nước gần hết.     Phần Biệt Kích Quân thì 100% đều là tình nguyện, trong số này không dưới 25% là các quân nhân đào ngũ ở các quân binh chủng đăng vào.  Cùng thời đi lính thì tại sao không đi lính thật "Ngầu" chứ ?  Ban tuyển mộ ở trại  biết, nhưng cũng không làm khó dễ gì.  Mà những chàng trai đã tình nguyện vào Biệt Kích rồi thì đâu còn sợ chết nữa.  Trong số này cũng không ít có anh đã đậu bằng Trung học đệ nhứt cấp, hay tú tài I.  Chỉ cần quay lưng trở về là mang lon Trung Sĩ hay Chuẩn Úy tức thì.  Thời gian coi Đại Đội Thám Sát, tôi nhận thấy các Biệt Kích Quân này rất thương yêu, đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau như anh em ruột thịt.  Nhứt là khi đã cùng ở chung một toán và cùng nhau sinh tử  - Không bỏ anh em, không bỏ bạn bè.  Khi hành quân có bạn bè bị thương thì với giá nào cũng phải mang được bạn về, không bỏ bạn, ngoại trừ lúc quân số địch đông gấp 5, 7 lần thì mới đành chịu rút lui.  Biết bao nhiêu câu chuyện còn truyền lại, người bị thương nặng bảo bạn bè:  "Tụi bây bỏ tất cả đạn lại đây và rút lui nhanh lên!  Tao sẽ ở lại bắn cản tụi nó..."  Và chuyện gì xảy ra sau đó thì mọi người cũng đoán được rồi.
           Mỗi lần toán hành quân nào chạm địch, bị thiệt hại hoặc mất tích một hai người, hay mất đi cả toán thì không khí trong trại, và nhứt là Đại Đội Thám Sát như không còn sinh khí!  Mọi người đều rút vào phòng nằm yên, câu lạc bộ cũng vắng tanh.  Ngay như khi ở nhà ăn cơm, dọn ra rồi lại dọn trở vào - Không ai màng gì đến ăn uống cả.  Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ.  Bên phía Hoa Kỳ nếu có người ra đi không về thì không khí toàn trại cũng thế.  Tôi nhớ lần Trung Úy Hùng (Râu) Kingbee bị rớt trực thăng, trong đêm từ Khâm Đức về Phú Bài rồi mất tích.  Hôm sau, mọi người đều ngồi bên ngoài Trung Tâm Hành Quân hồi hộp, chờ được biết tin phi cơ đang bay tìm trực thăng rớt.  Nhưng tìm kiếm cả tuần cũng không thấy khiến mọi người đều đau buồn, nhứt là các toán.  Với "Hùng Râu Kẽm" thì bất chấp hỏa lực địch như thế nào cũng lao vào đón toán.  Các phi hành đoàn trực thăng võ trang Cobra yểm trợ hành quân đều xem Hùng Râu là "thần tượng".  Nhứt là lần các anh bên 219 gồm các anh Hiệp, anh Lĩnh và anh Châu bị bắn rớt ở bên biên giới Lào, gần A-Shao, A-Lưới.  Không khí ở trại mấy ngày sau đó như trong nhà đang có tang!  Tôi nhớ ngày hôm đó trực thăng vào vùng để bốc toán, nhưng bị bắn quá nên đành phải quay về.  Cả 2 lần đều như thế.  Phòng không địch mạnh đến nỗi trực thăng võ trang Cobra cũng không dám vào vùng, chỉ có các phi công anh hùng của Kingbee mới liều mạng bay vào.  Tôi cũng linh tính chắc sẽ có chuyện thì qủa nhiên chuyện không may đã xảy ra.  Ba (3) anh đã vĩnh viễn nằm lại bên kia biên giới.  Anh Hiệp đã có 2 chứng chỉ Cử Nhân, nhưng vì mê Không Quân, và mê những cảm giác mạnh nên tình nguyện vào phi đoàn cảm tử này.  Mà những "Anh Hùng" này từ giã bạn bè, bỏ lại anh em trong lúc không anh nào tuổi đời qúa 30 cả.
Nói đến các toán mà bỏ quên thành phần "Thông Dịch Viên" thì thật là thiếu sót.  Mỗi toán đều có 1 thông dịch viên.  Dù Toán Trưởng nào thông thạo tiếng Anh thì cấp số toán cũng bổ xung 1 thông dịch viên đầy đủ.  Ở trại mỗi lần có lệnh hành quân thì thông dịch viên bận rộn liên lạc với Ban 4, nhận lãnh những trang bị theo nhu cầu của chuyến công tác đó.  Còn vào rừng rồi thì ngoài nhiệm vụ thông dịch cho các cố vấn và những thành viên trong toán, thông dịch viên cũng trở thành một tay súng như những toán viên khác mà thôi.  Tôi chưa từng nghe  nói có một thông dịch viên nào "gà chết" trong lúc hành quân cả.
Tôi còn nhớ tên những anh như:  Hiệp Mù, Tuấn, hiện đang sống tại Dallas, Chung Ghẻ, Hưng, Hải Móm còn ở lại VN.  Bên Mỹ thì có Đỗ Vinh, Khánh,Thái, và Cường Đất thì mới chết vài năm trước tại Mỹ.  Còn những anh em khác tôi không nhớ tên, nhưng hy vọng họ đã qua được bến bờ tự do rồi.  Nói về những chiến công và thành qủa của Tiền Doanh 1 đạt được thì tôi nghĩ chỉ có tại BCH Sở, hay Nha, cùng bên phía đối nhiệm Hoa kỳ biết thôi.  Sau khi được giải trình từ những chuyến công tác trở về, Sĩ Quan Tình Báo Việt nam và Hoa Kỳ mới bắt đầu giải đoán để đánh giá mức độ tin tức đã thu lượm được, cùng quyết định những phương án có tính cách chiến lược.  Trong ý niệm chiến lược, nhiệm vụ của Biệt Kích Lôi Hổ không phải là giết một vài tên địch, hay thu lượm một vài khẩu súng!
           Thông thường thì dân chúng gọi chung là Biệt Kích Mỹ, và cũng có một số ít người thường dị ứng với lính Biệt Kích này.  Nhưng thật ra Biệt Kích có nhiều nhóm:  Biệt kích CIDG (Civil Irregular Defense Group - Dân Sự Chiến Đấu), đóng ở các Trại A-LLĐB.  Biệt Kích Mike Force, cũng của LLĐB nhưng là lực lượng tiếp ứng.  Biệt Kích Tỉnh PRU.  Còn thành phần Biệt Kích NKT mình gọi là SCU (Special Commando Unit).  Nhìn tổng quát các thành phần Biệt Kích nói trên thì mọi người đều gọi chung là Biệt Kích Mỹ.  Nhưng ở đây tôi chỉ nói đến Biệt Kích NKT của mình thôi.  Nhìn chung thì lính BK của phe ta, về quân phong quân kỷ thì hơi kém thật.  Quần áo ăn mặc thì đủ loại.  Đồ biệt kích, đồ beo, đồ dù...  Khi tập hợp chung thì không đồng nhất, tóc tai thì dài.  Tóm lại nhìn không đúng là người lính gương mẫu.  Nhưng bù lại đánh giặc giỏi, và hành quân đạt được nhiều thành tích.  Trong suốt thời gian tôi coi đại đội Thám Sát chưa từng bị người dân ở Phú Bài, Phù Lương, hay ngoài thành phố Huế thưa kiện lính BK làm bậy.  Thời gian này một người lính BK được lãnh hơn 9000 ngàn đồng một tháng, hơn lương Trung Úy độc thân có bằng nhảy dù!  Ăn cơm ngày 3 bữa "free".  Lúc đi hành quân thì mỗi ngày ở trong rừng được thêm tiền công tác 150 đồng.  Phần thông dịch viên được huởng lương bậc 1 cũng trên 15 ngàn, đúng là lính Mỹ có khác!
           Mỗi toán đều có mướn một cô để dọn phòng, giặt giũ và ủi quần áo.  Chi phí này nghe nói là Cố Vấn toán trả riêng.  Nhưng tôi thấy mỗi tháng các cô cũng lên Ban 1 ký lãnh tiền.  Tiền bạc rủng rỉnh như thế nên BK Phú Bài tội gì mà phải ăn quịt, hay ăn chạy chi cho mang tiếng.  Tôi thấy vài ba tên mướn nhà ngoài làng Phù Lương ở với bồ.  Con gái Huế khó khăn, dễ gì tán tỉnh.  Thế mà cuối tuần, thỉnh thoảng tôi cũng bắt gặp vài tên nón đỏ cặp tay các em ra vào tiệm kem hay rạp chiếu bóng.  Còn về phần ngủ đò thì  gần như mỗi toán đều hùn tiền mướn hẳn một con đò vào đêm thứ Bảy cuối tuần.  Bận hành quân không ra phố ngủ đò được thì vẫn trả tiền như thường!  Bởi vậy hồi Tết Mậu thân có mấy tên ngủ đò bị Việt Cộng giết.  Đến đây, tôi cũng nêu lên một tật xấu của BK Phú Bài là đánh lộn.  Không cuối tuần nào không xảy ra đánh lộn giữa BK Phú Bài với lính của Sư Đoàn 1, Đại Đội Hắc Báo và Biệt Động Quân.  Nhiều khi làm náo loạn cả thành phố Huế!  Tuy hai ngày cuối tuần đều có xe tuần tiễu của trại chạy ra canh chừng quanh các khu phố lớn, nhưng cũng xảy ra đánh lộn hoài.  Mặc dù có xe tuần tiễu nhưng trại lại ở quá xa, gặp chuyện là phải giải quyết ngay, nên tôi hình như tuần nào cũng phải có mặt dưới phố.  Coi Đại Đội Thám Sát chi cho khổ thế này?  Mà gặp chuyện gì lớn, hay có nổ súng là ông Ngụy Hiền cũng đẩy tôi ra chịu trận.  Cũng may là Ông Thiếu Tá Cần, Quân Trấn Trưởng là người Bến Tre cùng quê với tôi.  Hồi nhỏ, tôi là bạn học với em ông.  Mỗi lần có toán viên nào đánh lộn, bị Quân Cảnh bắt là tôi nhào vô xin ông thả ngay, có lập biên bản gì tôi cũng kêu ông bỏ hết!  Tôi chỉ cười trừ khi ông mắng:  "Tụi mày không kiểm soát lính tráng, mỗi lần lính tụi mày đánh lộn, bắn lộn là ông Tư Lệnh gọi tao vào chửi gần tắt bếp luôn."
          Một lần khác, toán Lôi Hổ bắn lộn với lính Hắc Báo, và có người bị thương.  Tôi biết lần này chắc lớn chuyện rồi nên vọt vào gặp ông Tư Lệnh để nói trước phần phải về mình, nên chuyện dữ rồi cũng hóa lành luôn.  Còn câu chuyện này tôi chỉ nghe nói lại thôi, nhưng anh em  nào có ở Phú Bài chắc hẳn không quên.  Hôm đó, một Tiểu Đoàn BĐQ di chuyển ngang qua trại.  Không biết bên nào gây hấn trước, nhưng cuối cùng 2 bên nổ súng bắn nhau!  Bên BĐQ bắn cả súng cối vào trại khiến Cố Vấn trại phải gọi trực thăng và xe thiết giáp của TQLC Mỹ đóng gần đó đến yểm trợ.  Kết quả bên phía mình Đại Úy Thạnh và Trung Úy Cẩm bị phạt, và bị đổi về Sàigòn.

Các Sĩ Quan Tham Mưu của trại thường phê bình tôi là quá thân mật với lính, sẽ khó làm việc...  Tôi thấy nhận xét đó sai nhưng cũng không cãi lại.  Mỗi ngày, toàn thời giờ rảnh tôi đều ở dưới phòng các toán.  Lâu ngày tôi biết rõ tính tình và hoàn cảnh của mỗi toán viên.  Nếu nhìn một toán viên nào đó xâm trên lưng những câu như "Xa quê hương nhớ Mẹ hiền", hoặc "Lãng tử xa quê buồn nhớ Mẹ", hay những câu "Mai tôi chết ai người xây nấm mộ - Nén hương nào sưởi ấm lòng tôi" rồi dị ứng, cho là những tên này chắc có quá khứ không tốt, rồi đâm ra nghi ngờ, không cảm tình với những người này.  Nhưng nghĩ như thế là qúa cố chấp!  Sau này, tôi được biết những anh này thường là dân mồ côi, có anh đã từng ở cô nhi viện.  Lớn lên, họ trở thành những tay anh chị ở vùng Tôn Đản, hay Cây Da Xà, v.v...  Họ tuy thiếu mái ấm gia đình lúc tuổi thơ, nhưng sống rất thủy chung, cũng dạt dào tình cảm và nhứt là trọng chữ tín, sống chết không bỏ nhau.  Đôi khi tôi cũng có ý nghĩ ngộ nghĩnh là:  Những người lính BK này như những anh hùng Lương Sơn Bạc trong chuyện Thùy Hử ngày xưa vậy.
          Ở Phú Bài mùa Hè thì gió Lào thổi về nóng cháy da cháy thịt, nóng có lúc như thở không được.  Còn mùa Đông thì lạnh cắt da, mưa rỉ rả suốt ngày và gió lạnh thổi vào người nhức nhối như kim đâm vào da thịt, trời lúc nào cũng xám xịt một mầu chì.  Thời tiết xấu đến nỗi có khi cả tuần, cả tháng trực thăng không xâm nhập được.  Tuy nhiên, không có Tiền Doanh nào giống Phú bài ở mục này, là tất cả nhà cầu trong trại đều là dã chiến.  Nghĩa là đi tiêu vào trong thùng phuy đã được cắt đôi và đổ dầu cặn vào.  Mỗi ngày đem thùng phuy đem ra đốt, mùi hôi và khét thật khó chịu!
          Hôm nay ngồi nhớ lại chuyện xưa, không biết những người năm cũ bây giờ đang ở đâu?  Các Niên Trưởng Hồ châu Tuấn, N/T Ngụy Hiền, N/T Thạnh và Hy Râu, không biết sau khi rời khỏi chốn ta bà này rồi đi đâu?  Thiên Đàng hay Cõi Tịnh Độ?  Còn những người còn sống, Cán Bộ cũng như Biệt Kích Quân đang sống tự do ở nước ngoài, hay vẫn còn sống khổ sở nơi quê nhà?  Cho tôi gửi lời cầu chúc gia đình nhiều sức khoẻ, thỉnh thoảng bỏ vài phút tuởng nhớ lại những ngày xưa thân ái ở Phú Bài./.

MạnhMẽĐốngĐa